Người dân Peru đang rất vui mừng khi đón nhận thêm một danh hiệu di sản thế giới cho đất nước mình. Cây cầu cỏ Qeswachaka ở Cuzco đã được Unesco công nhận là di sản thế giới không chỉ về tính độc đáo của cầu cỏ mà nó được đánh giá mang tính gắn kết cộng đồng rất cao.

 

Chỉ với nguyên liệu rất đơn giản là cỏ khô và đôi bàn tay khéo léo, những người da đỏ Inca tại vùng Queswachaka làm nên kỳ tích mỗi năm. Cách làm cầu như vậy đã xuất hiện tại đây từ thời đế chế Inca, hàng trăm năm trước khi người châu Âu có mặt. Khoảng 1.000 người dân, cả đàn ông và phụ nữ, từ nhiều cộng đồng khác nhau trong khu vực bện cỏ Qoya thành những sợi chão lớn để làm cầu. Cây cầu bắc qua một hẻm núi dài chừng 70m qua con sông Apurimac và chỉ đủ rộng cho 1 người đi qua cùng một thời điểm.

Người dân Qeswachaka, Peru cho biết: “Đây là cách chúng tôi thực hiện một cây cầu. Chúng tôi dệt nên nó theo cách mà tổ tiên chúng tôi đã làm. Nó rất bền chặt”.

Cầu cỏ được coi là một biểu tượng thiêng liêng của người dân nơi này khi mang tính kết nối giữa thiên nhiên, truyền thống và lịch sử. Được dệt bằng loại cỏ địa phương có tên Qoya nên các sợi dây thừng làm nên cây cầu Qeswachaka chỉ có độ bền trong vòng 1 năm và mỗi năm những người dân ở đây phải xây dựng lại cầu một lần.

Bà Diana Alvarez – Bộ trưởng Bộ Văn hóa Peru chia sẻ: “Cầu cỏ Queswachaka là một phần di sản của Peru hiện đại. Nó gây cho chúng ta sự ngạc nhiên về truyền thống văn hóa, cả sự uy nghiêm của nơi này – nơi người dân có tính gắn kết cộng đồng cao và tất cả đều tự hào với di sản của họ”.

Kỹ thuật dệt nên những cây cầu cỏ được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Mỗi cây cầu cỏ được dệt chỉ trong vòng vài ngày và 1 lần trong năm khiến cả thế giới kinh ngạc.